Trong bài viết này, tôi muốn chỉ ra một số hiểu lầm về stress (căng thẳng) và cách giúp bạn xác định xem liệu mình có đang stress hay không.
Tại sao con người ta căng thẳng?
Stress thật ra là một phản ứng nguyên thủy của con người khi đối diện với những sự thay đổi của môi trường (cả bên trong và bên ngoài) mà não bộ cho là “nguy hiểm” đối với cơ thể.
Hãy tưởng tượng tổ tiên của chúng ta khoảng 3 triệu năm về trước vào một buổi sáng thời tiền sử trong lành, thức dậy và bước ra ngoài cửa hang đá. Ngay lập tức anh ta chạm trán với một con gấu xám khổng lồ hôi miệng (hơi thở buổi sáng mà). Vậy là ngay lập tức cơ thể của anh ta kích hoạt cơ chế “chạy hay chiến” (fight or fly). Khi đó tim sẽ đập nhanh hơn và hơi thở gấp hơn để cung cấp oxi cho cơ bắp. Và nếu nhắm không đấu lại được “đối thủ” trước mắt thì kế thượng sách lúc này chính là chạy và chạy nhanh nhất có thể để bảo toàn mạng sống.
3 triệu năm sau, trở về thời đại của chúng ta, đứng trước khán phòng toàn người là người và nguy cơ bị bẽ mặt nếu không thuyết trình đủ tốt, ta bỗng thấy những phản ứng căng thẳng ngang ngửa việc phải đối mặt với một con gấu xám khổng lồ. Lúc này cơ thể ta phản ứng y hệt như vậy: đổ mồ hôi, cơ bắp căng cứng, tim đập nhanh và nhịp thở dồn dập. Bất cứ khi nào bộ não cho rằng những thay đổi xung quanh ẩn chứa mối đe dọa đến sự an toàn thì cơ chế “chạy hay chiến” lại được kích hoạt.
Vậy thật sự stress hay căng thẳng là gì?
Hans Selye – “cha đẻ của lý thuyết về stress” – cho rằng stress là một phản ứng không cụ thể của cơ thể đối với những yêu cầu thay đổi của môi trường.
“Không cụ thể” là bởi trải nghiệm stress đối với mỗi người rất khác nhau. Đó là thể là cảm giác căng cứng, choáng ngợp, mệt mỏi hoặc kiệt sức.
2 loại căng thẳng và câu chuyện con ếch bị luộc
Bạn cảm thấy tim mình đập nhanh hơn khi ngồi trong phòng thi. Bạn chuẩn bị có một bài thuyết trình quan trọng và thấy mình liên tục đổ mồ hôi, cơ thể run rẩy và liên tục buồn đi vệ sinh. Đó đều là những biểu hiện của căng thẳng cấp tính (Acute stress). Đây là loại căng thẳng ngắn và cường độ mạnh.
Trái ngược với căng thẳng cấp tính, loại thứ 2 có tên là căng thẳng mãn tính (Chronic stress). Những tình huống gây stress mãn tính có thể là khi công việc của bạn gặp nhiều trở ngại, những cãi vã kéo dài trong một mối quan hệ, hoặc những khó khăn về tài chính.
Biểu hiện của stress mãn tính có thể khó nhận thấy hơn về lâu dài, nhưng chính vì thế mà hậu quả của nó đối với sức khỏe lại đáng sợ hơn căng thẳng cấp tính.
Điều này làm tôi nhớ đến một câu chuyện về con ếch bị luộc. Người ta thả con ếch vào trong nồi nước lạnh rồi đặt lên bếp đun. Ban đầu con ếch chẳng mảy may lo sợ vì nước không sôi lên ngay lập tức. Nó vui vẻ tận hưởng trong khi nước trong nồi cứ ấm dần, ấm dần. Vì ngay lập tức nước trong nồi không sôi nên con ếch chẳng buồn nghĩ cách để thoát thân. Đến lúc nước bắt đầu nóng bỏng, nó mới lóp ngóp tìm cách bò khỏi thành nồi trơn tuột nhưng quá muộn. Nồi nước sôi cũng là lúc con ếch đã bị luộc chín.
Stress kéo dài cũng như nồi nước đặt trên bếp lửa. Có những dấu hiệu của nó mà bạn bỏ qua. Bạn mải chạy theo guồng quay của cuộc sống và quá quen với stress đến nỗi nó trở thành một trạng thái “bình thường” mới. Tuy nhiên những ảnh hưởng tiêu cực của nó thì luôn tồn tại. Như trong câu chuyện trên, nhiệt độ nước tăng dần và con ếch dần bị luộc chín mà không hề hay biết. Vậy nên mong bạn đừng để trở thành chú ếch chín rồi mới lo lắng đi tìm cách giải quyết hậu quả.
Bạn có biết?
- Stress là hiện tượng mang tính chủ quan vì một yếu tố gây stress cho người này không phải lúc nào cũng gây stress cho người khác. Nói cách khác, stress xảy ra không phải do tác nhân gây căng thẳng, mà là do cách bạn nhìn nhận tác nhân đó.
- Tồn tại cả hiện tượng căng thẳng tích cực (eustress). Loại căng thẳng liên quan đến sự tăng tiết một lượng lớn hormon adrenaline, khiến cơ thể bỗng đầy năng lượng. Điều này có thể xảy ra khi bạn chơi các môn thể thao mạo hiểm hoặc khi bạn đón nhận một tin vui và vỡ òa trong hạnh phúc.
- Cả những sự kiện vui ví dụ như kết hôn hoặc sắp có em bé cũng có thể gây stress. Điều này được giải thích rằng những sự kiện này thường mang tới những thay đổi lớn mà để thích nghi với thay đổi đó, cơ thể bạn sẽ trải qua căng thẳng.
Cuộc sống không có stress
Có người nghĩ cuộc sống tốt đẹp là khi hoàn toàn không có căng thẳng. Nhưng sự thật là để phát triển, con người sẽ phải trải qua giai đoạn căng thẳng. Một đứa trẻ bắt đầu bước vào tuổi đi nhà trẻ cũng sẽ trải qua giai đoạn stress để thích nghi với trường mẫu giáo. Ở đó nó không còn là “bá chủ” như lúc ở nhà mà phải học cách làm quen với một nơi kỳ lạ mà quanh nó là những đứa trẻ khác đang chạy nhảy, lăn lê, khóc nhè và tè dầm. Hoặc khi bạn làm một công việc mới, bạn cũng sẽ trải qua căng thẳng do mọi thứ đều quá lạ lẫm, bạn phải học, phải tự mày mò để làm quen. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra rằng: ”Bất cứ ai cũng trải qua stress ở một mức độ nào đó”. Sẽ luôn có căng thẳng nhưng hãy luôn nhớ rằng đó là điều bình thường. Một liều nhỏ căng thẳng sẽ tiếp năng lượng để giúp bạn tập trung hơn, đón nhận trách nhiệm và hoàn thành việc cần làm.
Nhưng khi nào thì nên cẩn thận với những biểu hiện của stress?
Như tôi đã nói, mục tiêu không phải là xóa bỏ hoàn toàn căng thăng mà là giữ nó ở một mức độ có ích cho bạn hơn là có hại. Tuy nhiên, nếu bạn để căng thẳng vượt qua ngưỡng kiểm soát, nó sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực không chỉ về tinh thần mà còn về thể chất.
Những triệu chứng1 của stress mà bạn nên chú ý để có chiến lược đối phó phù hợp:
Triệu chứng cấp tính (xảy ra trước hoặc trong suốt tình huống căng thẳng):
1. Về thể chất:
- Hen xuyễn, khó thở
- Đau đầu
- Đau nửa đầu
- Đau lưng
- Đổ mồ hôi
- Buồn nôn
- Khó tiêu
- Đau tức ngực
- Mệt mỏi
2. Về cảm xúc
- Lo lắng
- Cáu gắt
- Tức giận
- Mất động lực
- Khó tập trung
- Mất cân bằng cảm xúc
- Giảm ham muốn tình dục
- Vấn đề về trí nhớ
3. Hành vi
- Cắn móng tay
- Suy nghĩ liên tục về nguyên nhân gây stress
- Thao thức, bồn chồn
- Thường xuyên mâu thuẫn với người khác
- Nghiến răng
- Gián đoạn giấc ngủ, chế độ ăn uống và tập luyện
- Xa lánh xã hội
- Lạm dụng chất
- Trì hoãn
Triệu chứng mãn tính (triệu chứng và hậu quả của căng thẳng kéo dài):
- Rối loạn giấc ngủ
- Suy giảm hệ miễn dịch
- Ảnh hưởng tiêu cực tới thói quen ăn uống và tập luyện
- Bệnh về tim mạch
- Rối loạn lo âu
- Các bệnh da liễu
- Trầm cảm
- Suy giảm trí nhớ
- Lạm dụng chất
Càng có nhiều hơn những biểu hiện trên, mức độ stress của bạn sẽ càng cao. Nếu bạn thấy bản thân đang trải qua căng thẳng kéo dài hoặc khó vượt qua được, tốt nhất là nên tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia thay vì tiếp tục chịu đựng và đợi mọi thứ trôi qua. Bởi khi bạn càng để bản thân trải qua cảm giác stress lâu hơn, nồng độ hormone căng thẳng cortisol sẽ càng càng làm hệ miễn dịch của bạn suy yếu, và từ đó sức khỏe của bạn sẽ càng bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Tất nhiên “phòng còn hơn chữa”. Có những cách thức để giúp chúng ta tự điều hòa khi gặp căng thẳng, tăng sức chống chịu của ta đối với các tác nhân gây stress. Điều này sẽ được tôi nhắc đến trong bài viết về các chiến thuật quản lý stress.
Nguồn tham khảo thêm:
- Stress Management – therapistaid.com ↩︎