Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đọc một cuốn sách về cách để hẹn hò và tìm được nửa kia của mình. Bản thân tôi, cũng như nhiều người khác, từng cho rằng tình yêu là một điều gì đó xảy ra hoàn toàn tự nhiên. Đó là cái duyên, là cảm xúc, là sự thăng hoa. Mọi sự nỗ lực để lựa chọn và quyết định một cách có tính toán đều khiến tình yêu mất đi vẻ đẹp và bản chất thật sự của nó. Nhưng lối tư duy đó đã thay đổi hoàn toàn từ sau khi tôi đọc cuốn “How to not die alone” (Làm thế nào để không chết trong cô độc) của Logan Ury.
Bạn sẽ tìm thấy gì trong bài viết này:
Cuốn sách này dành cho ai?
Cuốn sách dành cho tất cả những ai đang đi tìm tình yêu của đời mình, những ai đang trong một mối quan hệ và cả những ai đã tiến tới giai đoạn cam kết lâu dài mang tên “Hôn nhân”.
Đôi điều về cuốn sách và tác giả
Là một nhà tâm lý học nghiên cứu về hành vi con người, đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn tình cảm, Logan Ury viết cuốn sách này dựa trên những kinh nghiệm có được trong công việc và trên nền tảng khoa học Tâm lý. Bằng một giọng văn tự nhiên, nhẹ nhàng và pha chút hóm hỉnh, tác giả đã truyền tải thông qua cuốn sách trước hết là một mindset về tình yêu có chủ ý (intentional love), về cách bạn nên làm để tìm được một người bạn tâm giao thật sự phù hợp, cách xây dựng nền móng và phát triển một tình yêu bền chặt và lành mạnh, từng bước một!
Trong khuôn khổ bài viết này tôi muốn chia sẻ với bạn về những gì tôi nghĩ là có giá trị nhất đối với bản thân được rút ra từ cuốn sách.
Cuốn sách nói về Intentional love (Tình yêu có chủ ý)
Bạn tới bữa tiệc và đang ngồi một mình. Bên cạnh bạn xuất hiện một chàng trai (hoặc một cô gái), trùng hợp thay, cũng đang thấy khá lạc lõng giữa bữa tiệc náo nhiệt ấy. Cả hai người bắt chuyện với nhau và bạn nhận ra người đó thật thú vị. Từ sau bữa tiệc định mệnh ấy hai bạn tiếp tục giữ liên lạc. Và rồi cuộc đời bạn rẽ sang trang mới. Tình yêu gõ cửa. Cả hai yêu, trải qua nhiều thăng trầm nhưng rồi may mắn thay vẫn ở lại với nhau, đi đến hôn nhân và hạnh phúc mãi mãi về sau. Nghe như thể một câu chuyện cổ tích Disney nhỉ? Dù có thể bạn biết mọi chuyện trong thực tế thì khác hẳn, nhưng sâu thẳm có lẽ ai cũng mơ ước có một tình yêu như thế. “Disney lied to us” (Disney đã lừa dối chúng ta) là cái tên mà Ury đã đặt cho một chương trong cuốn sách.
Sự thật là để gặp một người, có hứng thú với người đó, rồi đi đến tình yêu cuồng nhiệt, say đắm mà người ta gọi là “love chemistry” lại chưa hẳn là phần khó khăn nhất. Nếu bạn thật sự nghiêm túc muốn xây dựng một mối quan hệ lành mạnh, ổn định và lâu dài thì cần xác định rằng điều đó cần nhiều sự nỗ lực hơn thế. Bạn cần biết “cãi vã” thế nào cho đúng cách (nếu bạn nghĩ mâu thuẫn và cãi vã luôn xấu thì có lẽ bạn nên đọc bài viết này), học cách giao tiếp hiệu quả với người mình yêu, học cách để thể hiện tình cảm theo ngôn ngữ tình yêu của nửa kia, vân vân và vô vàn. Vì vậy tội gì mà không dành thời gian để tìm hiểu về tình yêu nhỉ nếu bạn thật sự muốn có một tình yêu viên mãn? Và khi bạn bắt đầu tìm hiểu về tình yêu, chọn yêu một cách có chủ ý hơn thay vì phó mặc cho số phận quyết định, ấy là khi bạn bắt đầu học cách xây dựng một tình yêu có chủ ý (intentional love) – tôi thì thích gọi nôm na là khi con tim song hành với lý trí. Cả cuốn sách hướng đến việc chỉ dẫn bạn cách để có được một tình yêu như thế. Đặc biệt tác giả dành ra chương cuối cuốn sách để bàn về vấn đề này nếu bạn có ý định tìm đọc nó.
Tình yêu từ cái nhìn đầu tiên liệu có lâu bền?
Có lẽ bạn cũng từng trải qua điều này khi lỡ cảm nắng một ai đó: Bạn thấy tim mình đập loạn nhịp khi họ lướt qua, thấy lòng bồn chồn khi nhìn vào mắt họ, chỉ một nụ cười, một cái chạm tay cũng như một luồng điện xẹt. Ury gọi đó là “the spark” (tia sáng). Nhưng chương mà tác giả đề cập đến cảm giác ấy lại được đặt tên là “F**k the spark” (Kệ cha cái tia sáng). Logan Ury giải thích rằng mặc dù những cảm giác đó không hề xấu, thậm chí nhiều mối quan hệ tốt đẹp cũng từng bắt đầu từ những “tia sáng” như thế. Tuy nhiên việc liên tục tìm kiếm chúng, hay từ bỏ một đối tượng tiềm năng vì không thấy được ngay những cảm giác ấy khi mới tiếp xúc là việc không nên.
Tâm lý học có những nghiên cứu về hiệu ứng gọi là Zajonc (tên gọi khác là hiệu ứng tiếp xúc đơn thuần). Tức là khi ta tiếp xúc với một điều gì/ai đó càng nhiều, ta càng có xu hướng thích điều đó/người đó nhiều hơn. Suy ra, khi bạn tiếp xúc với một ai đó đủ nhiều…đoán xem, bạn sẽ thấy “tia sáng” ấy xuất hiện! Tôi có thể khẳng định điều ấy đúng vì chính tôi cũng đã từng yêu một anh chàng ở đối diện phòng ký túc xá của mình dù ban đầu không mấy cảm tình gì lắm với anh ta.
Vì vậy hãy luôn nhớ rằng “tia sáng” sẽ xuất hiện trong giai đoạn đầu của tình yêu và là một biểu hiện rõ nét cho thấy bạn thật sự thích người kia nhưng không phải là điều sẽ hứa hẹn cho một tình yêu lâu dài.
Bạn là ai khi yêu và tại sao bạn chưa tìm được tình yêu của mình?
Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao đến giờ mình vẫn chưa tìm được một tình yêu như ý? Một trong những nguyên nhân có thể là bạn mắc phải một trong những lỗi nhận thức được nhắc tới trong chương 2 “The three dating tendencies” (3 kiểu xu hướng hẹn hò). Trong chương này, tác giả nói về 3 kiểu lầm tưởng mà nhiều người mắc phải khiến họ chưa tìm một nửa của mình.
Xu hướng thứ nhất là lãng mạn hóa (Romanticizer). Đó là những người tin vào những câu chuyện “cổ tích”. Họ tin rằng định mệnh đưa hai người vốn thuộc về nhau gặp được nhau giữa thế giới này và rồi tiếp theo đó là hạnh phúc mãi mãi về sau.
Kiểu thứ hai là lý tưởng hóa (Maximizer). Họ là những người luôn trong trạng thái tìm kiếm nửa kia bởi họ là những người “cầu toàn” trong mọi quyết định. Họ muốn lựa chọn người bạn đồng hành thật hoàn hảo hoặc nếu không cũng phải là người tốt nhất mà họ có thể tìm thấy được.
Kiểu người do dự (Hesitater) lại không hướng sự chú ý của mình tới những nhân tố bên ngoài. Họ muốn bản thân mình phải thật hoàn hảo trước khi họ tìm được một ai đó. Đồng thời, suy nghĩ như “gió tầng nào gặp mây tầng đó” càng củng cố thêm cho họ niềm tin rằng bản thân phải thật tốt đẹp thì mới có thể xứng đáng gặp được những người tốt đẹp.
Khái quát lại ta thấy 3 lỗi nhận thức phổ biến mà nhiều người gặp phải khi hẹn hò và yêu đương:
- Kiểu người thứ nhất có những kỳ vọng không thực tế về bản chất mối quan hệ.
- Kiểu người thứ hai có kỳ vọng không thực tế đối với nửa kia.
- Còn kiểu thứ ba là những người có kỳ vọng không thực tế về chính mình.
Trong cuốn sách hoặc trên website của mình tác giả có đưa ra bài trắc nghiệm để xác định bạn là ai trong 3 kiểu xu hướng ấy.
Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về 3 xu hướng trên cũng như cách để khắc phục được những lỗi nhận thức đó thì có thể đón đọc bài viết sắp tới tại P.S. Why not?
Phẩm chất cần có (thật sự) của bạn đời
“Tầm này thì mẫu người yêu lý tưởng của tao chỉ cần là con trai và còn thở là được” – một đứa bạn của tôi than. Nhưng tôi biết dù nói thế nào đi chăng nữa thì ai cũng có những kỳ vọng của riêng mình đối với nửa kia. Trong chương 7 “Look for a Life Partner, not a Prom Date” (Tìm một người bạn đời, đừng tìm cặp đi dạ hội) bạn sẽ tìm thấy những phẩm chất mà bạn thực sự nên chú ý tới nếu muốn tìm một người bạn đời. Có những người mà ta đến với họ đôi khi chỉ vì ta nghĩ cả hai sẽ thật đẹp đôi khi đi với nhau, vì họ đáp ứng được những chuẩn mực mà nhiều người ao ước (những “chuẩn mực” mà thậm chí cũng chẳng phải của bạn!), hay vì bạn bè sẽ phải ngưỡng mộ, người thân sẽ hài lòng khi bạn kể về họ – đó là Prom Date!
Điều nhiều người lầm tưởng là quan trọng khi tìm bạn đời:
- Chung sở thích/tính cách giống nhau;
- Giàu có;
- Ngoại hình.
Điều thật sự quan trọng:
- Tốt bụng và ổn định về mặt cảm xúc;
- Chung thủy. Điều này không chỉ có nghĩa là người đó không bao giờ thay lòng đổi dạ mà họ còn sẵn sàng bên bạn trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào;
- Growth Mindset (Tư duy cầu tiến) – điều này rất quan trọng bởi người có tư duy cầu tiến sẽ hiểu rằng một mối quan hệ hòa hợp là kết quả của nỗ lực và cố gắng từ cả hai phía, thay vì bỏ cuộc và né tránh việc cùng nhau giải quyết mâu thuẫn (kiểu hành động của người có tư duy bảo thủ – Fixed Mindset);
- Biết cách “cãi nhau” – cãi vã có thể không phải là điều tốt nhưng mâu thuẫn thì luôn là một tín hiệu cho thấy có điều gì đó bất ổn trong mối quan hệ. Giải quyết được điều đó chính là cánh cửa để mối quan hệ của bạn trở nên tốt đẹp hơn. Vì vậy khả năng cùng nhau đối mặt và giải quyết những bất hòa là một điều bạn nên tìm kiếm ở người mà bạn muốn cùng xây dựng một mối quan hệ lâu dài;
- Người làm bạn cảm thấy thoải mái nhất khi ở cạnh, người thúc đẩy những khía cạnh tốt đẹp, tích cực ở bạn;
- Khả năng cùng bạn đưa ra những quyết định khó khăn.
Thuyết gắn bó
Thuyết gắn bó là học thuyết mà nhiều chuyên gia tâm lý1 (trong đó tất nhiên bao gồm tác giả cuốn sách của chúng ta – Logan Ury) khuyên bạn nên biết để hiểu hơn về cách ta gắn bó trong mọi mối quan hệ, để tìm kiếm và duy trì tình yêu trọn vẹn. Kiểu gắn bó sẽ quyết định cách hành xử, suy nghĩ, thói quen của bạn không chỉ trong tình yêu mà còn trong mọi quan hệ khác nữa. Trong chương 6 của “How not to die alone”, tác giả giải thích khá cặn kẽ về điều này và khích lệ bạn tìm ra kiểu gắn bó của chính mình.
Bạn tò mò về thuyết gắn bó? Vậy tại sao không đọc thêm ở đây?
So, how not to die alone?
Sau cùng, những điều tôi rút ra trên đây mới chỉ là một phần của cuốn sách. Để tránh cho bài viết này dài như một dòng sông thì tôi rất khuyến khích bạn tìm đọc “How to not die alone”. Ở đó bạn sẽ tìm thấy nhiều hơn nữa những điều hữu ích, những điều mà sẽ không ai nói với bạn về hẹn hò, về tình yêu và hôn nhân. Tuy nhiên cuốn sách này vẫn chưa có bản dịch sang tiếng Việt nên nếu muốn tìm hiểu thêm về chủ đề tâm lý học liên quan tới các mối quan hệ, bạn cũng có thể tìm đọc thêm những bài viết khác trên P.S. Why not.
Nếu khái quát lại điều giá trị nhất mà tôi rút ra khi đọc cuốn “How not to die alone”, điều ấy sẽ là: Nếu bạn muốn có được tình yêu hãy sẵn sàng kiếm tìm. Nếu bạn muốn có một tình yêu viên mãn, hãy sẵn sàng tìm hiểu để thấu hiểu. Vậy tại sao không bắt đầu hành trình để xây dựng tình yêu đó ngay từ hôm nay?
P.S. Tại sao không nhỉ?
- Đọc thêm cuốn Attached của tác giả Amir Levine, Rachel S. F. Heller (tựa tiếng Việt: Gắn bó yêu thương – làm thế nào để tìm kiếm và duy trì một tình yêu trọn vẹn) ↩︎
Cảm ơn Hạ vì bài viết!