Các nghiên cứu1 chỉ ra rằng phong cách gắn bó (attachment style) có ảnh hưởng tới nhiều mặt đời sống của bạn, trong đó bao gồm sức khỏe thể chất và tinh thần, việc tìm kiếm bạn đời và hành vi của bạn trong mối quan hệ gia đình, xã hội và công việc. Trong mối quan hệ tình cảm, phong cách gắn bó ảnh hưởng tới cách bạn chờ đợi một tin nhắn từ nửa kia (tỏ ra phớt lờ hay spam hàng chục tin nhắn vào inbox của họ), cảm giác của bạn khi ở gần người mình thương, cách bạn thể hiện cảm xúc của mình hay thậm chí lý giải vì sao nhiều người bị cuốn vào “vòng lặp” của những mối quan hệ thất bại. Trong bài viết này, tôi muốn mời bạn đi sâu vào tìm hiểu về cách bạn và đối phương gắn bó để có mối quan hệ viên mãn hơn.
Vòng lặp vô thức bắt nguồn từ cách bạn gắn bó trong tuổi thơ
Bạn biết không, chính những trải nhiệm thời thơ ấu, cách ta gắn bó với cha mẹ lại có thể quyết định cách ta sẽ cảm thấy, hành xử, suy nghĩ trong các mối quan hệ sau này. Điều đó được giải thích thông qua thuyết gắn bó – học thuyết được phát hiện bởi nhà tâm lý học phát triển John Bowlby. Vài năm sau khi thuyết gắn bó ra đời, một thí nghiệm tâm lý nổi tiếng có tên là The strange situation (Tình huống lạ), thực hiện bởi nhà tâm lý Mary Ainsworth đã mô phỏng cách con người ta gắn kết dựa trên nội dung học thuyết này.
Trong thí nghiệm, từng cặp mẹ và con (các bé khoảng 12 đến 18 tháng tuổi) được đưa vào một căn phòng đầy đồ chơi. Khi bé bắt đầu chơi và khám phá căn phòng, người mẹ được mời ra và các nhà nghiên cứu bắt đầu quan sát phản ứng của đứa trẻ khi không có mẹ – người tạo cho chúng cảm giác an toàn, người luôn sẵn sàng ở bên khi chúng cần. Và tới đây, bức màn dần được hé mở:
1. Kiểu gắn bó lo âu
Một nhóm các bé có phản ứng quấy khóc và thậm chí khổ sở khi không thấy mẹ. Khi người mẹ quay lại, bé sẽ tạm ngừng khóc nhưng ngay sau đó lại giận dữ đẩy mẹ ra và tiếp tục khóc. Ainsworth gọi nhóm trẻ này là nhóm gắn bó lo âu.
Khi lớn, trong một mối quan hệ lãng mạn, những người có xu hướng lo âu sẽ tìm mọi cách để có được sự chú ý từ phía người còn lại. Những người này thường sẽ nhắn và gọi liên tục ngay khi người thương “mất dấu”, lo sợ mình sẽ là người bị bỏ rơi trong mối quan hệ, luôn phải đi tìm cách để người kia chú ý tới mình.
Và khi các mối quan hệ như tình bạn, tình yêu không mang lại sự thoải mái, an toàn như mong đợi, trong họ sẽ kích hoạt một khuôn mẫu hành vi để càng củng cố thêm sự thiếu tin tưởng và lo lắng của mình. Mô hình hành vi ấy trông sẽ như thế này:
Bạn thấy trong sơ đồ trên, các phản ứng nằm ở phần nền màu trắng là vùng “an toàn”, những phản ứng nằm trong nền màu nâu là vùng “nguy hiểm”. Khi một sự việc nào đó kích hoạt hệ thống gắn bó lo âu, nó sẽ dẫn đến một chuỗi phản ứng và cuối cùng là củng cố sự thiếu tin tưởng, lo sợ. Sự kiện này có thể là việc từng bị bỏ rơi, bị “cắm sừng”, sự thờ ơ từ phía người mình yêu. Nếu đạt tới vùng nguy hiểm, những suy nghĩ và lo âu sẽ biến chuỗi phản ứng trên thành vòng lặp. Như thế mỗi khi bạn nhận thấy sự vắng mặt của người kia, đó đều bị coi là tín hiệu đe dọa đối với mối quan hệ. Người có cách gắn bó lo âu là người có hệ thống này bị kích hoạt như trong sơ đồ trên và sẽ luôn thấy thiếu thốn cảm giác gần gũi với người mình yêu, luôn phải đảm bảo rằng người kia thực sự vẫn có tình cảm với mình – điều khiến cho mối quan hệ trở nên rất mệt mỏi.
2. Kiểu gắn bó né tránh
Ở một thái cực khác, một nhóm các em bé thậm chí không phản ứng gì hoặc tỏ ra không hề nhận thấy là mẹ quay lại. Các bé vờ như không quan tâm tới tình huống đó. Nhưng các nhà nghiên cứu lại nhận thấy nhịp tim và mức độ stress của nhóm này cũng tăng lên, cho thấy những trẻ này cũng lo lắng không khác gì nhóm trẻ khóc lóc và thể hiện ra ngoài. Đây là nhóm những em bé có kiểu gắn bó né tránh.
Chính vì trải nghiệm cho thấy không thể tin tưởng vào người chăm sóc mình, những đứa trẻ này dần phát triển khuynh hướng tránh cảm giác tổn thương do bị bỏ rơi bằng cách lờ đi, vờ rằng mối quan hệ không thật sự thân mật đến thế. Bạn có thể thường xuyên nghe từ người có cách gắn bó né tránh những câu như: “Anh/em chưa sẵn sàng hứa hẹn lâu dài” hoặc “Anh/em cần không gian riêng”, hoặc “Anh/em nhiều việc quá nên mình gặp lúc khác nhé”. Đây là cách để họ lảng tránh việc quá gần gũi trong một mối quan hệ. Những người này cũng thường có xu hướng tập trung vào những khiếm khuyết của người còn lại, dùng đó làm cái cớ để chấm dứt mối quan hệ và tìm lại “sự tự do”. Họ tưởng tượng rằng mình sẽ hạnh phúc hơn biết bao nếu họ còn độc thân hoặc đang trong mối quan hệ với một người khác.
Cặp đôi lo âu – né tránh
Đến đây bạn có thể hình dung một mối quan hệ giữa 2 người có kiểu gắn bó né tránh và lo âu sẽ như thế nào chứ? Có thể bạn đoán đúng rồi đấy, đó là mối quan hệ mà ta vẫn gọi là “red flag”. Những mối quan hệ này có thể tạo ra cảm giác như thể trò đuổi bắt. Trong cuộc đuổi bắt ấy:
- Những người có cách gắn bó lo âu là người theo đuổi, luôn sợ mình bị bỏ rơi, sợ mình không đủ hấp dẫn với người kia
- Những người có cách gắn bó né tránh là người luôn bỏ chạy khi thấy giới hạn của mình bị xâm phạm, luôn thấy mình cần nhiều không gian riêng tư hơn và cảm thấy khó chịu với những tiếp xúc quá thân mật. Tình cảnh trên sẽ có xu hướng biến thành một vòng lặp từ mối quan hệ này sang mối quan hệ khác mà chính họ không thể thoát ra được.
3. Kiểu gắn bó an toàn
Quay lại thí nghiệm, nhóm trẻ thứ 3 khóc khi còn lại một mình nhưng sẽ nín ngay khi mẹ quay trở lại và tiếp tục chơi bình thường. Đây là nhóm các bé gắn bó an toàn. Những đứa trẻ này biết rằng người chăm sóc sẽ luôn bên cạnh mình khi cần và tin tưởng rằng có thể dựa vào họ.
Những người trưởng thành với kiểu gắn bó an toàn có những biểu hiện sau:
- Có cách ứng xử phù hợp trong tình huống mâu thuẫn: Họ không tìm cách để “phòng thủ” hay cố làm tổn thương, cố “trừng phạt” người kia.
- Rất linh hoạt: Họ không bị quá ám ảnh bởi những lời chê hay chỉ trích, sẵn sàng xem xét lại hành động của mình và nếu cần, có thể thay đổi những suy nghĩ và cách hành xử của mình.
- Có cách giao tiếp hiệu quả: Họ thể hiện những mong muốn và cảm xúc của mình một cách thoải mái và chính xác để người kia có thể hiểu được.
- Cảm thấy thoải mái với sự gần gũi, thân mật và không bị lo lắng về việc sự tự do của mình bị xâm phạm.
- Bày tỏ sự yêu thương và tôn trọng đối với nửa kia.
- Dễ tha thứ: Họ tin rằng người kia luôn có thiện ý và không chủ tâm làm họ tổn thương.
- Có trách nhiệm đối với người mình yêu thương.
4. Kiểu gắn bó lo âu – né tránh
Vậy còn kiểu gắn bó thứ 4 thì sao? Đây thật ra lại là một kiểu gắn bó hiếm gặp. Và theo đúng như tên gọi thì những người có cách gắn bó này sẽ có những biểu hiện của cả 2 nhóm lo âu và né tránh (dù điều này nghe có vẻ mâu thuẫn). Họ là người có thể nhắn hàng loạt tin nhắn chỉ để nhận được một tin đáp lại, đe dọa sẽ chia tay để người còn lại phải chạy theo mình, hoặc lờ đi không nghe máy để trả đũa vì không được quan tâm. Sự thật thì họ không tự tin vào mối quan hệ này và chính bản thân mình, lo sợ sẽ mất đối phương, sợ rằng những mong muốn về sự thân mật của mình sẽ không được đáp lại.
Theo số liệu thống kê, trong số những người được khảo sát thì có 63,5% là những người có kiểu gắn bó an toàn, 22,2% có kiểu gắn bó né tránh, 5,5% là nhóm gắn bó lo âu và cuối cùng, nhóm lo âu – né tránh chiếm dưới 8,8%.
Như vậy, mặc dù mỗi chúng ta đều có một nhu cầu như nhau về việc được gần gũi và quan tâm nhưng mỗi người lại có những cách phản ứng khác nhau trong các mối quan hệ. Nhưng cũng đừng vội đẩy ngay trách nhiệm cho cha mẹ bạn về cách bạn gắn bó trong các mối quan hệ, bởi các nghiên cứu khác cũng cho rằng, còn rất nhiều yếu tố khác quyết định kiểu gắn bó như trải nghiệm tổn thương từ những mối quan hệ khi trưởng thành, môi trường, yếu tổ bẩm sinh v.v.
Vậy làm gì khi “lỡ” là một người “không hoàn hảo”?
Giờ thì bạn cảm thấy những người gắn bó an toàn đúng là may mắn và có vẻ “hoàn hảo”. Bạn tự hỏi: “Vậy nếu tôi rơi vào những kiểu gắn bó “không hoàn hảo” còn lại thì sao?”. Sự thật là chẳng ai hoàn hảo cả! Và có một tin vui cho bạn: Trong cuốn sách “Attached”, Amir Levine – bác sĩ tâm thần, nhà thần kinh học tại trường Đại học Columbia chỉ ra rằng tuy “khuynh hướng gắn bó có tính ổn định, nó cũng rất linh hoạt” và có thể cải thiện được. Vì vậy bạn có thể tham khảo một trong những cách dưới đây để hiểu hơn về bản thân cũng như cải thiện cách gắn bó trong các mối quan hệ:
1. Tìm hiểu về cách gắn bó của mình
Điều quan trọng đầu tiên là bạn cần biết kiểu gắn bó của mình để có cách cải thiện cũng như tránh làm cho khuynh hướng gắn bó của mình trở nên tiêu cực. Nghiên cứu đã chứng minh rằng việc biết về kiểu gắn bó của mình cũng là một cách để giúp bạn cải thiện mối quan hệ theo hướng tích cực hơn.
Một trong những cách để biết xu hướng gắn bó của mình là làm các bài test. Bạn có thể thử làm bài test đó ở đây.
Bài trắc nghiệm có thể mất từ 5-10 phút. Bạn sẽ trả lời bằng cách đánh giá các khẳng định trên thang tương ứng với 7 điểm về mức độ thường xuyên xảy ra/mức độ đồng tình của bạn.
Đây là phiên bản đánh giá sâu. Nếu muốn một bài trắc nghiệm nhanh với số câu hỏi ít hơn, bạn có thể tham khảo quiz trên website của tác giả cuốn “Attached” (tựa Việt: “Gắn bó yêu thương”). Đây là cuốn sách tham khảo tuyệt vời cung cấp thông tin chi tiết về các kiểu gắn bó và cách để khắc phục những cách gắn bó không lành mạnh.
2. Tìm hiểu về “nửa kia”
Nếu như đang ở trong một mối quan hệ lãng mạn, bạn cũng có thể tìm hiểu xem cả kiểu gắn bó của đối phương. Điều đó sẽ giúp bạn ra tìm ra tiếng nói chung cũng như có thể cải thiện phương thức gắn bó của cả hai người.
3. Xây dựng mối quan hệ với những người có xu hướng gắn bó an toàn
Logan Ury – chuyên gia tâm lý hành vi, tác giả và huấn luyện viên hẹn hò người Mỹ từng khuyến khích rằng những người có xu hướng gắn bó lo âu hoặc né tránh nên hướng tới việc tìm một người bạn đời gắn bó an toàn.
Tôi từng nhận thấy bản thân có cách gắn bó lo âu. Tuy nhiên xu hướng ấy phần nào đã dịu bớt qua mối quan hệ tình cảm trước đây với một người có cách gắn bó khá ổn định và cho tôi cảm giác tin tưởng. Đó là người luôn tìm cách đối thoại giải quyết vấn đề trong khi tôi né tránh và để máy ở chế độ im lặng để không phải nhận những cuộc gọi giảng hòa. Dần dần tôi cũng đã học được cách giải quyết mâu thuẫn và xây dựng một mối quan hệ lành mạnh, vững vàng hơn. Tuy nhiên những người có xu hướng gắn bó an toàn có thể bị coi là “tẻ nhạt”.
Điều này xảy ra là do tồn tại lầm tưởng rằng những cảm xúc như lo lắng chờ đợi 1 dòng tin nhắn, sự thấp thỏm, hay việc không ngừng đuổi theo một người là tín hiệu của tình yêu. Nhưng sự thật đó lại chính là tín hiệu cho thấy hệ thống gắn bó lo âu bị kích hoạt hoặc đối phương là người gắn bó né tránh. Vì vậy tình yêu nên đi cùng với cảm giác bình yên và an toàn. Mong bạn đừng bỏ lỡ những mối quan hệ tuyệt vời với một người ổn định và an toàn chỉ vì nghĩ họ không đủ “thú vị”.
4. Tự phân tích bản thân trong mối quan hệ
Trước hết hãy tìm một người hoặc một mối quan hệ mà bạn cho là gắn bó an toàn và ổn định để làm hình mẫu cho mình.
Ngay khi bạn bắt đầu cảm thấy lo lắng, sợ người kia hết tình cảm với mình, hay cảm thấy “mất tự do”, hãy dừng lại một chút và thử thực hành những bước này:
- Check-in suy nghĩ, cảm xúc và phản ứng của mình lúc này. Tốt nhất bạn nên ghi ra những điều đó để bắt đầu học cách nhận diện cảm xúc, suy nghĩ của mình.
- Sau đó xác định xem những suy nghĩ, cảm xúc đó làm tổn thương bạn cũng như làm ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ như thế nào.
- Ghi xuống cách gắn bó an toàn thay thế những suy nghĩ, cảm xúc và phản ứng tiêu cực trên. Bạn cũng có thể sử dụng hình mẫu của người hoặc mối quan hệ gắn bó an toàn để làm định hướng cho mình. Tự hỏi: “Trong trường hợp này họ sẽ làm gì, suy nghĩ như thế nào và hành động ra sao?”
5. Hãy kiên trì
Sau cùng, hãy kiên trì và hiểu rằng để cải thiện cách gắn bó theo hướng an toàn là một quá trình hoàn thiện bản thân đối với cả bạn và đối phương.
Bạn thấy đấy, mỗi mối quan hệ vững vàng, hạnh phúc đều cần được xây dựng bằng nỗ lực và cố gắng. Nỗ lực ở đây là để hiểu về chính mình, hiểu về người kia, hiểu về cách để hòa hợp vì bạn thật sự yêu thương họ và muốn mối quan hệ này trở nên tốt đẹp hơn. Và tôi tin rằng đó cũng chính là một biểu hiện của tình yêu đích thực.
Nguồn tham khảo thêm:
- Helen Dent – Why Don’t I Feel Good Enough? Using Attachment Theory to Find a Solution;
Amir Levine, Rachel Heller – Attached;
Logan Ury – How to not die alone. ↩︎