Bất cứ ai cũng trải qua mâu thuẫn. Theo bạn mâu thuẫn liệu có thể khiến ta hạnh phúc hơn trong tình yêu không? Liệu có “lợi ích” nào của mâu thuẫn không? Và bạn nên làm gì để giải quyết mâu thuẫn nảy sinh trong tình yêu và hôn nhân? Trong bài viết này hãy cùng đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó.
Có phải mâu thuẫn trong quan hệ tình cảm luôn xấu?
Những hiểu lầm
Có lẽ khi nhắc tới mâu thuẫn, nhiều người sẽ cho rằng đây là một điều tiêu cực, là nguyên nhân hủy hoại các mối quan hệ và nên tránh bằng mọi giá. Tồn tại một hiểu lầm rằng trong những mối quan hệ tình cảm hòa hợp nên có rất ít khi hoặc thậm chí không bao giờ để xảy ra tranh cãi. Sự thật là điều làm nên mối quan hệ hòa hợp, tác động tới mức độ hài lòng trong tình yêu không nằm ở việc ta luôn đồng tình hay giống nhau như thế nào. Yếu tố quyết định ở đây là cách ta thể hiện sự khác biệt và cách ta hành xử khi bất đồng ý kiến nảy sinh.
“Lợi ích” của những mâu thuẫn trong tình cảm
Nhà tâm thần học Amir Levine và nhà tâm lý Rachel S. F. Heller (2010) chỉ ra rằng mâu thuẫn có khả năng trở thành một cơ hội để các cặp đôi xích lại gần nhau và gắn kết một cách sâu sắc hơn. Khi giữa hai người xuất hiện sự khác biệt trong quan điểm, mong muốn, nếu biết cách xử lý thì điều này sẽ giúp đôi bên hiểu nhau hơn, học cách thích nghi và chung sống hòa hợp.
Có những mâu thuẫn có thể giải quyết được nhưng cũng có những mâu thuẫn mà thậm chí đôi bên vĩnh viễn không thể tìm được cách để giải quyết. Nhà tâm lý John Gottman từng chỉ ra rằng 69 phần trăm các mâu thuẫn trong tình yêu là loại mâu thuẫn vĩnh viễn. Tại sao?
Hai kiểu mâu thuẫn
Nhà trị liệu cặp đôi Dan Wile từng viết trong cuốn sách mang tên “After the Honeymoon” (Sau tuần trăng mật) rằng: “Khi bạn chọn một người bạn đời, bạn tất sẽ phải chọn một combo của những vấn đề không thể giải quyết được (unresolvable problems)”. Những vấn đề này có thể là việc một người tính vốn ưa sạch sẽ, người còn lại thì đã quen luộm thuộm; hay một người ưu tiên sự nghiệp, một người lại muốn dành nhiều thời gian cho gia đình v.v (bạn hiểu vấn đề rồi đó).
Có lẽ bạn đọc đã từng nghe câu “cãi nhau như cơm bữa”. Thật ra câu nói ấy thể hiện hoàn toàn chính xác kiểu mâu thuẫn không thể giải quyết này. Bạn tưởng tượng hai cá nhân vốn hoàn toàn tách biệt, nay lại cùng chia sẻ cuộc sống thường ngày. Khái niệm “hợp nhau tuyệt đối” vốn không hề tồn tại. Bởi lẽ, hai hệ giá trị, hai cá tính hoàn toàn khác nhau, được sinh ra và lớn lên trong những hoàn cảnh, môi trường hoàn toàn khác biệt, dẫu có chung sở thích hay một nét tính cách nào đó, cũng sẽ có sự “chênh” nhất định ở những khía cạnh khác. Những mâu thuẫn kiểu này có thể nằm ở những quan điểm, hệ giá trị khác nhau về công việc, gia đình, hoài bão, tiền bạc và thậm chí là tần suất gần gũi.
Nhưng như vậy không có nghĩa những mâu thuẫn này sẽ hủy hoại mối quan hệ của chúng ta. Điểm chính để giải quyết những vấn đề “không thể giải quyết” này là không khăng khăng tin rằng người kia sẽ thay đổi hay cố thay đổi họ. Điều cần làm là tìm một cách tốt nhất để có thể chung sống với người kia và “combo” những khác biệt của họ.
Áp dụng ngay:
Hãy xem lại những lần cãi vã hay bất đồng ý kiến của mình và xác định xem đâu là những vấn đề có thể giải quyết, đâu là những mâu thuẫn vĩnh viễn.
Dù cho mẫu thuẫn của bạn là kiểu giải quyết được hay vĩnh viễn thì những cách thức được nêu trong bài viết này cũng sẽ giúp bạn biết nên làm gì để giải quyết chúng.
Trước khi bước vào phân tích những công cụ giúp bạn giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ của mình, tôi muốn bạn hiểu một vấn đề quan trọng…
Cách bạn hành động trong tình huống mâu thuẫn là yếu tố quyết định
Lấy ví dụ một cặp vợ chồng thường xuyên tranh cãi về việc ai sẽ là người rửa bát sau mỗi bữa cơm. Bạn nghĩ sẽ có những cách hành xử nào trước vấn đề nhức nhối này?
Có 5 kiểu hành vi chính trong tình huống mâu thuẫn được Thomas Kilmann đưa ra mà tôi sẽ minh họa thông qua câu chuyện nêu trên:
Ganh đua (competing)
Là khi không ai chịu nhường ai cho đến khi một mất một còn. Hai người cãi nhau về việc ai sẽ rửa bát sau khi ăn xong. Không ai chịu rửa và cùng ngồi lỳ ra bấm điện thoại. Để xem ai gan hơn ai. Người không chịu được khi thấy chồng bát bẩn và phải đứng lên rửa trước là kẻ thua cuộc.
Nhượng bộ (compromising)
Ở đây nhượng bộ nghĩa là đôi bên cùng thỏa hiệp, hy sinh một phần giá trị và yêu cầu của bản thân để giải quyết mâu thuẫn. Vẫn là câu chuyện rửa bát. Chồng bắt đầu mặc cả: “Anh sẽ rửa bát nhưng đổi lại cuối tuần này không đi làm “cây treo đồ” cho em nữa. Em tự đi mua sắm, còn anh sẽ đi nhậu với bạn”. Giả sử chị vợ đồng ý. Vậy thì cả hai bên đều sẽ phải chịu hi sinh một phần lợi ích của mình để nhận lại điều quan trọng hơn đối với mỗi người – vợ không phải rửa bát nhưng đi shopping một mình, chồng phải còng lưng đứng rửa nhưng cuối tuần được đi nhậu.
Trốn tránh (avoiding)
Trốn tránh là khi cả hai người có thể làm gì cũng được nhưng miễn là không bàn đến vấn đề mâu thuẫn. Nếu cặp đôi rửa bát rơi vào kiểu hành vi này, mỗi khi bữa cơm kết thúc, trận chiến quyết định ai là người rửa bát lại bắt đầu. Tình huống đó sẽ lặp lại không ngừng vì họ không bao giờ thật sự ngồi lại để tìm cách giải quyết triệt để.
Đáp ứng (accomodating)
Khi đó một trong hai người sẽ nương theo ý kiến của người còn lại và nhường nhịn cho qua chuyện. Trong trường hợp này, sẽ luôn có một người phải đứng lên rửa bát, bất luận hôm đó người này đã phải nấu cơm rồi và còn có một núi công việc phải giải quyết.
Hợp tác (collaborating)
Với kiểu hành vi này, đôi bên cùng nhau đối mặt và tìm hướng giải quyết sao cho không bên nào phải chịu thiệt thòi. Cả hai ngồi lại và đưa ra hướng giải quyết. Một người luôn nấu ăn thì người còn lại sẽ rửa bát, hôm nào bận thì thôi.
Mâu thuẫn tất nhiên không phải lúc nào cũng đơn giản là chuyện ai rửa bát, ai nấu cơm. Tuy vậy, qua ví dụ trên ta thấy một điểm mấu chốt: 5 cách hành xử trong mâu thuẫn khác nhau ở việc đôi bên kiên quyết với quan điểm và lợi ích của mình đến mức nào, sẵn sàng suy nghĩ cho đối phương bao nhiêu. Trong sơ đồ bên dưới, mức độ kiên quyết với quan điểm của mình được biểu hiện trên trục đứng. Trục nằm ngang cho thấy mức độ sẵn sàng hướng tới lợi ích và lắng nghe quan điểm đối phương.
Trong các phản ứng trên, hành vi mang tính xây dựng nhất chính là thông qua đối thoại và cùng tìm cách giải quyết (Hợp tác). Khi đó cả hai bên cùng xem xét quan điểm và lợi ích của nhau, đưa ra phương án phù hợp nhất với cả đôi bên để giải quyết tận gốc vấn đề cũng như không ai chịu thiệt.
Dựa trên cơ sở đó, dưới đây là những cách để ta giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ tình cảm để đôi bên cùng cảm thấy hài lòng và giữ gìn một mối quan hệ bền vững.
Những cách thức giúp bạn xử lý tình huống mâu thuẫn
Tập trung vào vấn đề mâu thuẫn thay vì người kia
Khi những lời tranh luận trở thành câu nói xúc phạm, lên giọng, hoặc chế nhạo thì khi đó cuộc nói chuyện không còn hiệu quả nữa. Hãy cẩn thận và tập trung chú ý làm rõ vấn đề nào đang gây mâu thuẫn thay vì đổ lỗi cho đối phương. Nếu như ý kiến bất đồng khiến bạn cảm thấy bị xúc phạm, khi ấy bạn nên dừng cuộc nói chuyện để bàn lại vào lúc khác khi đã bình tĩnh hơn.
Phương pháp lắng nghe phản chiếu
Đây đồng thời cũng là một trong những phương pháp được các nhà tâm lý trị liệu sử dụng để giúp thân chủ tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề của mình. Bản chất của phương pháp này là dù trong tình huống bất đồng, đôi bên vẫn cảm thấy mình thật sự được lắng nghe, đồng thời hiểu đối phương đang muốn nói gì. Bởi lẽ thường thì trong các cuộc tranh luận, chúng ta thường chỉ đợi đến lượt để được nói ra điều suy nghĩ hơn là lắng nghe người mình thương. Vì vậy, trước khi trả lời đối phương, hãy nhắc lại lời mà họ nói với bạn bằng lời của chính bạn. Nếu đối phương chỉnh lại, hãy tiếp tục nhắc lại đến khi người kia đồng ý rằng bạn đã hiểu đúng (như thể bạn là tấm gương phản chiếu những điều mà họ nói). Tiếp sau đó, bạn cũng bày tỏ quan điểm của mình, người kia cũng phản chiếu những ý bạn muốn diễn đạt đến khi họ hiểu đúng.
Sử dụng khẳng định bắt đầu với “tôi”
Khi chia sẻ suy nghĩ của mình, bạn hãy bắt đầu với ngôi thứ nhất (tức “tôi”). Ví dụ: bạn nên nói “Anh/em rất buồn vì hôm nay em/anh không gọi, cũng không trả lời tin nhắn” thay vì “Hôm nay em/anh làm cái gì mà không trả lời tin nhắn cũng không gọi lại vậy?”. Cách này sẽ khiến đối phương không cảm thấy bị buộc tội, không gây ức chế và thể hiện rằng bạn tự nhận trách nhiệm cho những cảm xúc của mình. Điều này cũng giúp ta tập trung vào vấn đề đó là hành vi (không trả lời) của một người dẫn đến cảm xúc tiêu cực (buồn) của người còn lại. Từ đó ta hiểu ra cần phải thay đổi điều gì từ cả hai phía.
Biết khi nào nên tạm dừng tranh luận
Khi bạn và người yêu/vợ/chồng của bạn trở nên hăng máu và bắt đầu có lời lẽ xúc phạm, tốt nhất là nên có một khoảng “nghỉ giải lao”. Hãy để ý điều này để bạn hoặc đối phương luôn có thể yêu cầu tạm dừng tranh luận khi cần thiết. Trong quãng nghỉ đó, đôi bên hãy dành thời gian làm gì đó một mình để giúp bản thân cảm thấy thoải mái hơn. Khi cả hai đều đã bình tĩnh lại, chúng ta có thể tiếp tục trở lại để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, hãy luôn nhớ quay lại để giải quyết vì khi không động đến, vấn đề vẫn luôn ở đó, như cái kim trong bọc đợi ngày xuyên thủng vỏ bọc để trồi lên.
Luôn hướng tới tìm giải pháp
Nếu bạn thấy rõ ràng rằng cả hai sẽ không thể nào đồng ý hoặc nhượng bộ được, hãy tập trung tìm giải pháp thay vì thuyết phục. Cố gắng tìm một sự thỏa thuận có lợi cho cả hai phía. Xác định xem thật sự những bất đồng này có quan trọng trong mối quan hệ của hai bạn hay không. Nếu không hãy bỏ qua.
Ví dụ: Hai người tranh luận về việc sinh ra là đàn ông hay phụ nữ khổ hơn. Vấn đề cũng thú vị và có thể là câu chuyện để hai người hiểu, cảm thông hơn cho nhau. Nhưng nếu cuộc tranh luận trở nên căng thẳng, hãy đủ tỉnh táo để hiểu rằng những bất bình đẳng giới hay nỗi khổ của đàn ông hoặc phụ nữ thật sự không đáng là đề tài phá hỏng một buổi tối yên bình bên người mình thương.
Tất nhiên không phải mọi mâu thuẫn đều giống nhau và không có một công thức chung nào cho mọi tình huống. Điều quan trọng là bạn hiểu rằng mâu thuẫn không nhất thiết là điều xấu. Tuy vậy cũng không có nghĩa là bạn nên cãi vã nhiều hơn. Hãy nhớ mấu chốt của việc giải quyết mâu thuẫn nằm ở cách ta hành xử, kiểm soát cảm xúc của mình và nỗ lực hòa giải để nuôi dưỡng mối quan hệ.
Chúc bạn có một tình yêu đẹp với một người có thể cùng bạn đương đầu và giải quyết mọi mâu thuẫn dù là lớn hay nhỏ.
P.S. Bên cạnh những bất đồng giữa các cá nhân, mâu thuẫn còn tồn tại dưới nhiều dạng khác như mâu thuẫn nội tâm, mâu thuẫn giữa các giai đoạn phát triển (khủng hoảng phát triển) v.v. Nếu bạn thấy hứng thú muốn tìm hiểu thêm về những mâu thuẫn này và cách giải quyết chúng, mời bạn đón đọc những bài viết sau tại P.S. Why not.