Bạn thường sẽ làm gì khi ai đó chia sẻ với bạn một câu chuyện buồn? Cố tìm lời động viên? Tìm cách khuyên họ hãy nghĩ tích cực lên? Cố khiến họ cười? Nghĩ ra lời khuyên mà bạn cho là hữu ích để giúp họ? Nhưng bạn đã biết cách tốt nhất để giúp đỡ những người xung quanh mình về mặt tâm lý những khi họ gặp khó khăn là gì chưa?
Hãy cùng tôi đi đến cuối bài viết này, nơi bạn sẽ tìm thấy nguyên lý và những cách thức để chia sẻ khi người thân, bạn bè hoặc bất cứ ai xung quanh bạn cần sự nâng đỡ về tinh thần.
Đôi khi lời khuyên không phải là điều ta cần
Có khi nào bạn thật sự cảm thấy lòng nặng trĩu và muốn tâm sự cùng ai đó. Thế nhưng khi nhìn xung quanh, bạn cảm giác như không thể nói được với ai. Không phải vì bạn không có bạn bè hay người thân để tâm sự, chỉ là bạn ước có một ai đó sẽ chỉ thật sự lắng nghe, không phán xét, không đưa ra lời khuyên, không chỉ trích bạn vì đã làm sai.
Sự thật là ai cũng giỏi đưa ra lời khuyên. Nhưng không phải ai cũng biết cách lắng nghe. Đôi khi chỉ riêng lắng nghe đúng cách thôi cũng là một phương pháp trị liệu cực kỳ tốt, một cách nâng đỡ người khác khi họ cần. Đó chính là một trong những cách mà các nhà tâm lý trị liệu sử dụng để hỗ trợ cho thân chủ (người đến với nhà tâm lý để tìm sự giúp đỡ).
Lắng nghe như một nhà tâm lý
Vậy làm thế nào để lắng nghe như một nhà tâm lý? Tôi sẽ chia sẻ những bước nhằm giúp bạn rèn luyện khả năng nghe của mình như một nhà tâm lý mà bạn có thể áp dụng cho lần tới khi một ai đó tìm đến bạn để kể về vấn đề của mình. Những cách dưới đây thoạt nghe thì không hề khó, nhưng để làm được thì lại khó vô cùng vì nó đi ngược lại tất cả những mong muốn bản năng của bạn.
Đến đây nếu bạn đã sẵn sàng, hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về những kỹ thuật lắng nghe thấu cảm mà các nhà tâm lý thường sử dụng.
KỸ THUẬT 1: GƯƠNG PHẢN CHIẾU
Tấm gương không biến đổi những gì đứng trước nó, chỉ phản chiếu lại sự thật (thôi được rồi, trừ những loại gương đặc biệt như gương cầu lồi, lõm và đại loại như thế). Bản chất của kỹ thuật này là bạn tập trung lắng nghe mạch câu chuyện của họ, tập trung vào những gì họ nói, những sự kiện, những cảm xúc, sau đó”phản chiếu” lại những gì bạn nghe được. Ví dụ cách bạn có thể phản hồi thông qua câu hỏi: “vậy là chuyện a này đã xảy ra, khiến cho cho bạn cảm thấy b, sau đó bạn làm c và rồi kết quả là d. Tôi hiểu như vậy có đúng không?”.
Tại sao kỹ thuật này hữu ích:
- Bạn phải tập trung thì mới có thể phản hồi đúng những gì bạn nghe thấy. Thế nên bạn sẽ thật sự thể hiện được rằng mình quan tâm tới vấn đề người kia nói;
- Kỹ thuật này giúp ngăn cản bản năng đưa ra lời khuyên của bạn, buộc bộ não nhiệt tình của bạn bình tĩnh lại và dõi theo những gì đang được chia sẻ;
- Kỹ thuật này giúp bạn hiểu đúng những gì người kia muốn truyền đạt. Bởi lẽ đôi khi câu chuyện có thể xảy ra như thế này: Có đôi khi ta chưa kịp lắng nghe hết những gì người khác muốn truyền đạt và vội vàng phản ứng, đưa ra lời khuyên. Vậy nên hãy nhớ rất có thể bạn đang hiểu sai hoặc chưa hiểu rõ câu chuyện đang được nhắc đến.
- Đây cũng là một cách rất hữu ích để giúp bạn đối thoại giải quyết mâu thuẫn.
Đây là kỹ thuật quan trọng nhất, là nền tảng để ta xây dựng những kỹ thuật mà tôi sẽ nhắc đến tiếp theo đây.
KỸ THUẬT 2: HỎI CẢM NHẬN VỀ SỰ VIỆC
Bạn cho rằng cảm nhận là điều quá dễ đoán. Rõ ràng nếu bị sếp mắng sẽ buồn, nếu cãi nhau với người yêu sẽ thấy bực bội vân vân. Nhưng thật ra không phải ai trải qua cùng một sự kiện cũng sẽ có những cảm xúc giống nhau. Cùng là một việc đó nhưng có người thấy buồn, có người thấy chán nản, có người bực bội, tức giận, có người không cảm thấy gì nhưng lại suy nghĩ rất nhiều về những gì xảy ra. Vì vậy thay vì đoán suy nghĩ và cảm xúc của người kia, hãy hỏi họ cảm thấy như thế nào khi trải qua sự việc đó. Những câu bạn có thể hỏi: “Chắc hẳn bạn thấy buồn lắm” hoặc “Lúc này khi mà kể lại việc đó bạn thấy sao rồi?” hay “Lúc chuyện ấy xảy ra bạn cảm thấy như thế nào?” v.v.
KỸ THUẬT 3: XÁC NHẬN
Đôi khi một người cảm thấy khó chia sẻ với người khác vì họ sợ bị đánh giá, bị phán xét “Sao ngốc thế? Ai đời lại làm vậy?” hay “Lẽ ra em nên làm thế này mới phải”. Nhưng ta không thể biết rằng nếu rơi vào tình huống tương tự liệu chính ta có thể phản ứng và hành động như khi ta đủ lý trí và tỉnh táo để đưa ra lời khuyên cho người khác hay không. Vì vậy hãy luôn nhớ rằng hành động và phản ứng của một người trong một tình huống nào đó là hoàn toàn phù hợp với những suy nghĩ, trạng thái và cảm xúc mà họ trải qua KHI ĐÓ! Có thể việc họ làm, cách họ phản ứng đối với bạn là không đúng nhưng vào hoàn cảnh đó, đó là điều họ cảm thấy, đó là việc họ đã làm. Hãy xác nhận để chính họ cũng hiểu được điều này.
Nhưng thay vì nói: “Lúc ấy cậu giận đến nỗi đấm thằng đó là đúng. Làm vậy là tốt lắm”, hãy học cách xác nhận đúng: “Ừ nghe câu đó xong đúng là bực thật. Phải tớ thì có khi tớ đánh người luôn được”.
Tùy cách bạn thể hiện sao cho phù hợp, miễn là bạn bày tỏ cho người kia hiểu rằng: “Nếu tôi trải qua sự việc x này, có lẽ tôi cũng sẽ cảm thấy y”.
KỸ THUẬT 4: THẤU HIỂU NHỮNG MÂU THUẪN
Những mâu thuẫn ở đây là những điều diễn ra bên trong người đang chia sẻ câu chuyện với bạn. Đôi khi bạn sẽ thấy những mâu thuẫn đó thật sự khó hiểu hay vô lý. “Tôi muốn bỏ thuốc lắm chứ nhưng tôi không làm được”. Bạn tự hỏi: “Có gì mà khó thế. Muốn thì tìm cách, không muốn thì tìm lí do”. Nhưng sự thật là mọi chuyện đâu dễ đến thế. Có thể họ thật sự muốn làm điều này, nhưng luôn có một nguyên nhân nào đó ngăn cản họ làm vậy. Đây chính là mâu thuẫn.
Bạn có thể sẽ muốn đưa ra lời khuyên ngay. Nhưng bạn lại chưa hề nghe hết nguyên nhân tại sao tồn tại mâu thuẫn, lý do nào đằng sau ngăn họ hoặc khiến họ làm vậy. Vì thế lúc này, việc đúng đắn nhất nên làm là đặt câu hỏi: “Tại sao bạn muốn làm như vậy?”, “Bạn thích điều đó ở điểm nào?”, “Điều gì ngăn cản bạn làm khác đi?”, “Điều đó giúp gì cho bạn?”. Khi đặt những câu hỏi để tìm hiểu nguyên nhân sâu xa, có thể bạn sẽ thấy bất ngờ về câu trả lời đấy!
Sau khi đã hiểu điều gì thúc đẩy họ duy trì hành động, có thể hỏi: “Vậy bạn không thích điều đó ở điểm nào?”/ “Điều gì khiến bạn muốn thay đổi?”…
Tại sao những kỹ năng trên khó thực hiện?
Như tôi đã nói, bạn sẽ cho rằng những điều trên khá hiển nhiên và dễ thực hiện. Nhưng nếu bạn quan sát kỹ quá trình mình lắng nghe người khác, bạn sẽ thấy một lúc nào đó trong cuộc nói chuyện mình bắt đầu: a. Nghĩ về việc khác hoặc b. Đánh giá những gì họ làm, cách họ phản ứng và c. Muốn đưa ra lời khuyên.
Bộ não của chúng ra hoạt động tích cực tới nỗi nó không thể chỉ im lặng theo dõi dòng suy nghĩ và cảm xúc của người khác. Nó sẽ bắt đầu liên tưởng, tưởng tượng, tư duy tìm cách giải quyết. Nhưng nếu lần tới khi lắng nghe câu chuyện của người khác, bạn cảm thấy mình đã hiểu câu chuyện khá kỹ và muốn đưa ra lời khuyên thì hãy dừng lại, nhớ tới bài viết này và tiếp tục lắng nghe. Bởi vì ta không bao giờ lắng nghe đủ, kể cả khi bạn cho rằng bạn nghe đủ để hiểu câu chuyện rồi. Chỉ người kể mới hiểu rõ nhất câu chuyện của họ. Bởi vậy trong giới tâm lý trị liệu, có lưu truyền một câu nói rằng: chính thân chủ mới là chuyên gia trong vấn đề của họ. Nhà tâm lý chỉ là chuyên gia hỗ trợ về mặt phương pháp và kỹ thuật mà thôi.
Vậy bạn đã sẵn sàng trở thành một người biết cách thật sự lắng nghe và chia sẻ chưa? Tại sao không nhỉ?